Đạo vào đời (Engaged Buddhism)
Lễ Quy Y Tam Bảo tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam. 2017-09-02

Sống trong đời khổ, chẳng khác nào như một người đang chơi vơi ngoài biển cả mênh mông không thấy được bến bờ, nào sóng to gió lớn dập dồn ập đến, đêm đen xuất hiện, biết bao những nổi khủng hoảng kinh hồn, lấy chi mà nương tựa. Nhưng nếu may mắn gặp được một miếng gỗ nổi trôi để bám lấy, hay gặp được chiếc Thuyền Từ cứu vớt đưa ta vào bến bờ thì còn gì hạnh phúc bằng.

Cũng vậy, ở trong cõi đời sanh tử luân hồi này, có vô lượng vô biên nổi khổ, vui thì ít mà khổ thì nhiều, đó là sự thật mà ai trong chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được trong đời sống hằng ngày của mình. Có những lúc mà mình thấy mình chơi vơi, dẫu rằng bên cạnh mình có biết bao người thân thiết như vợ, như chồng, con cháu, cha mẹ và rất đông đảo bạn bè đâu có ai thay thế cho mình được; ngay cả tiền tài, danh vọng, nhà đẹp, xe sang, tất cả đó đều ở bên ngoài ta. Một khi nằm trên giường bệnh, hay gặp những khổ nạn v.v. . thì những lúc ấy chỉ có ta đối diện với bóng đêm, với nghiệp lực (nghiệp Thiện hoặc Ác) của chính ta mà thôi, ngoài ta ra sẽ không có một ai (ngay cả Đức Phật hay một Đấng toàn năng nào đó) có thể thay thế cho ta được.

Ý thức được cuộc đời như vậy, thì ngay bây giờ mỗi người chúng ta hãy nên xây dựng cho mình một lý tưởng "hướng thượng, hướng thiện" để đừng quá muộn.

Với ý nghĩa trên, nhân ngày Rằm Thượng Nguyên lúc 9:30 sáng.

Chủ Nhật cúng Rằm tháng Giêng năm Canh Tý.

(nhằm ngày 9 tháng 2 năm 2020).

Chùa sẽ có Khóa Lễ Quy Y Tam Bảo, nhằm tạo cơ hội cho quý Phật tử gieo duyên với Tam Bảo trong đời này, cũng như mãi mãi những kiếp về sau được làm con của Chư Phật, được làm con của Chánh Pháp, được làm con của các Bậc Hiền Thánh Tăng, và đi trên con đường giải thoát giác ngộ. Phật tử nào muốn tham dự Quy Y, nên khuyến khích con cháu Quy Y thì hãy ghi tên tại văn phòng của Chùa và có mặt để tham dự Khóa Lễ đúng ngày giờ nói trên. Sau đây là ý nghĩa của Lễ Quy Y Tam Bảo:

LỄ THỌ TAM QUY Y

Lời Khai Tâm

Quý vị phát tâm Quy Y Tam Bảo và phát nguyện Thọ Trì Năm Giới của người Phật tử. Đây là một quyết định nhằm chuyển hướng con người và cuộc đời của quý vị. Vì vậy, quý vị cần hiểu rõ ý nghĩa của việc Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Giới Pháp này.

Thế nào gọi là quy y?
Quy y là quay về nương tựa. Như một người từ trong bóng tối quay về nương tựa vào ánh sáng; từ chỗ lang thang vô định quay về nương tựa vào một nơi an ổn cho cuộc sống của mình; hay như một kẻ nỗi trôi giữa biển cả sóng gió quay về nương tựa vào một bờ bến an lành.

Giữa cuộc đời vô thường mong manh, đầy những bất trắc đổi thay này, đâu là chỗ an lành cho con người quay về nương tựa?

Câu trả lời của đạo Phật là: quay về nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng.

- Quay về nương tựa Phật, vì Phật là đấng từ bi vô lượng, bậc trí tuệ tròn đầy, là vị đạo sư cao cả khai mở con đường giải thoát, giác ngộ cho chúng ta.

- Quay về nương tựa Pháp (hay những lời dạy của đức Phật), vì đó là giáo pháp chân thật, là con đường đưa chúng ta tới sự hiểu biết chân thật để giải thoát khổ đau, thực chứng niết bàn, an lạc.

- Quay về nương tựa Tăng, vì Tăng là đoàn thể những người sống hòa hợp để cùng tu học đạo giải thoát, giác ngộ. Đó là những vị thầy trực tiếp hướng dẫn, là những người bạn lành giúp đỡ chúng ta bước đi trên con đường giải thoát, giác ngộ ấy.

Phật, Pháp, Tăng, như giải thích trên đây, là ba Ngôi Tam Bảo ở bên ngoài. Chúng ta nương vào ba Ngôi Tam Bảo ở ngoài này để trở về ba Ngôi Tam Bảo ở chính bản tâm của mình. Phật là tâm hiểu biết, giác ngộ; Pháp là tâm giải thoát, an vui; Tăng là tâm tỉnh thức, hòa hợp. Vì vậy, trong ý nghĩa sâu xa, quy y Phật là từ bỏ tâm mê mờ, trở về sống với tâm sáng suốt, giác ngộ; quy y Pháp là từ bỏ tâm phiền não, trói buộc trở về sống với tâm giải thoát an vui; quy y Tăng là từ bỏ tâm loạn động chia rẽ, trở về sống với tâm tỉnh thức, hòa hợp. Từ đó mà ta có thể nói, quy y Phật, Pháp, Tăng chính là từ bỏ những gì đưa tới khổ đau để trở về sống với những phẩm tính cao đẹp nhất của chính mình - những phẩm tính làm nền tảng xây đắp sự an lạc cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hiểu được như thế thì một người khi đã quy y Phật, quyết định không quy y theo trời, thần, quỷ, vật; khi đã quy y Pháp thì quyết định không quy y theo ngoại đạo, tà giáo; khi đã quy y Tăng, thì quyết định không quy y theo bè đảng xấu ác.

Cũng nên biết rằng, một người khi đã quy y Tam Bảo thì người đó chính thức trở thành một người Phật tử, nghĩa là một người con của đức Phật, một người con của Giáo Pháp, một người con của đoàn thể Tăng thân.

Quý vị đã hiểu rõ và sẵn sàng, thì giờ đây, chính là lúc quý vị làm lễ thọ Tam quy.

Lễ Thọ Tam Quy

  • Con xin về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

  • Con xin về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

  • Con xin về nương tựa Tăng, đoàn thể những người tu học, sống tỉnh thức, hòa hợp.

  • Con về nương tựa Phật, nguyện không nương tựa Trời, Thần, Quỷ, Vật.

  • Con về nương tựa Pháp, nguyện không nương tựa ngoại đạo, tà giáo.

  • Con về nương tựa Tăng, nguyện không nương tựa bè đảng xấu ác.

  • Con đã về nương tựa Phật, đã trở thành người con của Đức Phật.

  • Con đã về nương tựa Pháp, đã trở thành người con của Giáo Pháp.

  • Con đã về nương tựa Tăng, đã trở thành người con của Tăng thân.

LỄ THỌ NĂM GIỚI

Lời Khai Tâm

Quý vị đã quy y Tam Bảo, đã chính thức trở thành người Phật tử thì cần nên thọ trì năm giới là giới pháp căn bản của người Phật tử.

Năm giới pháp đó là:

Một là không sát sanh, không làm tổn hại sự sống của người và vật. Không được tự mình sát sanh, không được xúi dục người khác sát sanh, không vui mừng cổ võ cho mọi sự sát sanh ở bất cứ đâu. Ngược lại, hãy đem lòng từ bi bảo vệ sự sống cho tất cả mọi người, mọi loài.

Hai là không được trộm cắp, không lấy của người làm của mình, không sống trên sự bóc lột người khác. Không được tự mình trộm cắp, bóc lột, không được xúi dục người khác trộm cắp, bóc lột, không vui mừng cổ võ cho mọi sự trộm cắp, bóc lột ở bất cứ đâu. Ngược lại, hãy đem tâm bố thí, giúp đỡ cho những kẻ nghèo khó.

Ba là không tà dâm, không liên hệ bất chánh, ăn nằm với người không phải là vợ hay chồng của mình. Ngược lại, hãy giữ tình yêu trong sáng để bảo vệ hạnh phúc gia đình của mình cũng như của người khác.

Bốn là không nói dối, không nói những lời không đúng với sự thật làm tổn hại cho người khác. Ngược lại, hãy nói những lời chân thật đem đến niềm vui và niềm tin cho kẻ khác.

Năm là không uống rượu cũng như dùng các chất độc hại như cần sa, ma túy; không chìm đắm trong cuộc sống ăn chơi trụy lạc. Ngược lại, hãy tập sống một cuộc sống lành mạnh cho thân tâm an ổn.

Quý vị nên hiểu, năm giới pháp trên đây không phải là những mệnh lệnh bắt buộc, mà là những nguyên tắc hướng dẫn con người sống đời sống đạo đức, biết bỏ ác làm lành, đem đến hạnh phúc, an vui cho bản thân, gia đình và xã hội.

Năm giới pháp này không phải để trói buộc mình, mà là để giải thoát mình ra khỏi những ác nghiệp khổ đau. Trước cơn khủng hoảng sa đọa về đạo đức, tinh thần của con người trong xã hội vật dục hiện nay, năm giới pháp này chính là giải pháp của đạo Phật để con người tự cứu mình, cứu gia đình và xã hội khỏi những thảm họa đau thương. Đó cũng là bước đầu trên con đường đạo hạnh, đưa đến sự an tịnh tâm hồn và làm phát sinh trí tuệ chân thực.

Lễ Thọ Năm Giới

Đến đây, quý vị đã hiểu rõ và sẵn sàng, thì xin quý vị hãy theo sự hướng dẫn của Bậc Thầy, thành tâm đọc lên những lời phát nguyện thọ trì năm giới sau đây:

  1. Từ nay cho đến trọn đời, con xin thọ nhận và hành trì giới không sát sanh

  2. Từ nay cho đến trọn đời, con xin thọ nhận và hành trì giới không trộm cắp.

  3. Từ nay cho đến trọn đời, con xin thọ nhận và hành trì giới không tà dâm.

  4. Từ nay cho đến trọn đời, con xin thọ nhận và hành trì giới không nói dối.

  5. Từ nay cho đến trọn đời, con xin thọ nhận và hành trì giới không uống rượu.

Năm giới cao đẹp này quý vị đã thọ nhận và phát nguyện hành trì thì xin hãy trân trọng giữ gìn, đừng xâm phạm, đừng xâm phạm.

Ghi chú:
1. Nhân dịp mùa Vu Lan, 2 tháng 9, 2017, Chùa VN có buổi lễ Quy Y Tam Bảo. Chúng tôi thâu gần như trọn vẹn toàn bộ buổi lễ chính thức.

2. Phật tử phải nên quy y tam bảo và thọ nhận năm giới. Nếu mình đã quy y tam bảo và thọ nhận năm giới, thì mình phải ôn lại và nguyện thực hành những gì mình đã phát nguyện. Nếu không thì mình sẽ quên. Nếu mình ở gần chùa, thì mỗi tháng nên tới chùa vào ngày rằm để tụng giới.

3. Người đã chưa quy y tam bảo thì nên nghe đi nghe lại toàn bộ buổi lễ để mở mang kiến thức. "Quy y" nghĩa là gì? "Tam Bảo" nghĩa là gì? "Năm giới" nghĩa là gì? Có chuyện kể rằng, một người Mỹ khi được biết về ý nghĩa của quy y tam bảo, người đó đã khóc vì cảm động.

4. Thầy Thích Nguyên Hạnh có pháp danh là Tâm Dũng, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ bốn mươi ba. Quý vị nào đã quy y nơi thầy Nguyên Hạnh, tức là quý vị thuộc dòng Lâm Tế đời thứ bốn mươi bốn. Thầy Thích Nhất Hạnh thuộc dòng Lâm Tế đời thứ bốn mươi hai. Chúng ta nên để ý tới những chi tiết này. Để làm gì? Xin trả lời: Nhiều lắm...

 
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật Đạo

May the merit of this work
Be shared with all beings
So that we
May all attain Complete Enligtenment