Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát được sống hạnh phúc, mỗi người luôn tìm cho mình một lẽ sống hay nói đúng hơn là một lý tưởng sống. Và nhất là thanh niên hiện nay, những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước phải xác định được cho mình một lý tưởng đúng đắn. Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, thanh niên chúng ta được đặt ra câu hỏi: sống như thế nào để báo đáp bốn ân: ân Tam Bảo soi đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời, ân cha mẹ, thầy bạn đã sinh thành dưỡng dục cho chúng ta nên người, ân quốc gia xã hội, ân muôn loài chúng sanh đã bảo bọc, che chở cho chúng ta trong cuộc sống. Thanh niên là nhân tố quyết định sự tồn vong của "tất cả những good things mà ta muốn có, muốn giữ và phát huy" và loại trừ "tất cả những bad things mà ta muốn thay dần và rồi loại bỏ".
Thế nào là sống có lý tưởng cao đẹp? Sống có lý tưởng cao đẹp là sống có mục đích, sống có ích sao cho xứng đáng là một Phật tử và công dân Việt Nam / Mỹ. Mỗi người đều có mục tiêu lý tưởng của mình, nhưng để thực hiên mục đích con người cần phải có ý chí, kiên định, có tinh thần vững tin đi về phía trước. Chúng ta cần nghĩ rằng mục đích của cuộc sống không những chỉ xuất phát từ quan điểm, nhìn nhận mà còn khởi nguồn từ trong chính thực tế và yêu cầu của cuộc sống. Khi xác định được mục đích đó chúng ta nên phấn đấu nỗ lực để thực hiện tốt.
Bạn có bao giờ tự hỏi bạn tồn tại trên cuộc đời vì lý do gì không? Và sứ mạng của cuộc đời bạn là gì? Đây hẳn là băn khoăn của không ít bạn trẻ thời nay. Nhiều người cho rằng sống quá bận rộn, làm gì có thời gian đặt vấn đề niềm tin hay lý tưởng sống. Cũng có bạn cho rằng cứ sống tự nhiên, đến đâu hay đến đó, buông thả, vô tư. Nhưng sống là phải có lý tưởng! Sống cho ta, cho những người thân, vì mọi người, vì đất nước của chính mình, lý tưởng dẫn dắt ta trên bước đường đời, cho ta sức mạnh vượt qua khó khăn và thử thách. Nó như ngọn lửa trong tim luôn rừng rực cháy.
Vậy thì tại sao ta phải sống có lý tưởng cao đẹp? Vì nếu “sống không mục đích không làm được gì cả” và nếu “mục đích tầm thường thì không làm được gì vĩ đại”. Hãy tưởng tượng mà xem: một thanh niên sống không mục đích, không có định hướng, học tập chỉ do ba mẹ gượng ép; chàng ta chẳng hề ham thích những lựa chọn ấy và cũng chẳng hề thích học những môn học ấy; rồi cậu ấy rớt đại học, thất nghiệp … không có tiền cậu đâm ra vòi vĩnh bố mẹ … tiêu xài tiền, rồi đủ các thói hư tật xấu. Cuối cùng chàng thanh niên ấy đã kết thúc cuộc đời trên nhà tù sau bao năm ăn chơi. Đó là một ví dụ về một con người không có lý tưởng sống. Còn những người sống có mục đích nhưng lại là mục đích tầm thường như ăn no, mặc ấm, hạnh phúc gia đình, kiếm được nhiều tiền, … Những người này vì lợi ích bản thân, họ dễ dàng phung phí tiền tài và thời gian vào những trò chơi vô bổ sau khi họ nghĩ rằng họ đã tới đích. Chúng ta thường đọc thấy trên các báo hay ti-vi những tin liên quan tới ông này bà nọ có chức vụ, lạm dụng quyền hạn để trục lợi; hay những nhóm tội phạm, nhất là những nhóm thanh thiếu niên trẻ cướp giật, phạm tội … để kiếm tiền ăn chơi hay những thanh niên học sinh ghiền chơi game đến mê mệt! Tất cả những người sống không mục đích và mục đích tầm thường đều có kết quả không tốt. Chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết Enstein, Moza, Dacquyn … Tất cả họ đều là những người sống có lý tưởng cao đẹp, tất cả đều làm nên đều vĩ đại và được lưu danh muôn thưở. Vậy, con người sống cần phải có lý tưởng cao đẹp!
“Không thành công, cũng thành danh" (Nguyễn Thái Học)
Thế chúng ta phải làm gì để trở thành người có mục đích cao cả và có ích cho xã hội? Trước hết, ta cần phải xác định lý tưởng sống đúng đắn – dự tính về tương lai sẽ cống hiến cho xã hội về những mặt nào. Tiếp theo ta cần phải lên kế hoạch học tập rèn luyện kĩ năng, sức khỏe tư tưởng nhằm thực hiện những mục đích đó. Sau đó, ta phải tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chính trị; điều nãy sẽ giúp cho bản thân hòa nhập cộng đồng. Cuối cùng ta cần phải phát huy những thế mạnh của bản thân, khắc phục các điểm yếu và vận động những điều đã học vào thực tế.
Thế hệ trẻ là những người chủ tương lại của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Chính vì vậy mà các bạn thanh thiếu niên cần phải sống có mục đích cao đẹp.
Hãy nhớ rằng: Phật Giáo Việt Nam có được trường tồn không, dân tộc Việt Nam / Mỹ có sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không đó là nhờ vào công học tập của các em. Lời nhắn như thiêng liêng ấy phải được thực hiện! Các bạn hãy cố lên!
“Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông" (Nguyễn Bá Học)
Tôi xin được nhắn nhủ các bạn thanh thiếu niên, học sinh: “Hãy học tập để nắm vững lấy tri thức vì tri thức là sức mạnh. Hãy ôn lịch sử để rút kinh nghiệm xử thế của người xưa. Có tri thức, có kiến thức lịch sử, các bạn như đứng trên vai người đi trước để cao hơn người khác. Hãy phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chấp nhận và vượt qua thử thách, bởi không có người thất bại, chỉ có người không biết cố gắng mà thôi”. (Victor Frank).
Mọi suy nghĩ, hành động đều bắt nguồn từ ý nghĩ. Ý nghĩ, tư tưởng là nền móng cơ bản dẫn việc làm, lối sống của thanh niên. Mỗi một thời đại, mỗi một hoàn cảnh lịch sử mà thanh niên nuôi dưỡng những ước vọng, những lý tưởng sống và suy ngẫm riêng.
Và thời nào cũng vậy, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại khó. Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong thời chiến (ví dụ, khi đất nước bị Tàu đe dọa, hoặc Pháp xâm lăng). Những người con của đất nước đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình - cái tuổi 20 đầy ước mơ ấy - cho Tổ quốc với lý tưởng thật cao đẹp và thánh thiện. Chúng ta nên biết một điều: nếu như lớp người đi trước đã quên mình cho thế hệ sau được độc lập, no ấm, có hướng đi đúng đắn cho cuộc đời thì ngày nay, tuổi trẻ chúng ta sẽ tiếp tục duy trì truyền thống đó. Và một điều quan trọng là bạn đừng xem đấy là nghĩa vụ để rồi miễn cưỡng thực hiện. Chúng ta hiểu rằng: được sinh ra làm người là một hạnh phúc và được sống tự do, no đủ, có văn hóa - đó là món quà quý báu, vô giá mà quê hương, xã hội, và muôn loài chúng sinh đã ban tặng cho chúng ta. Hạnh phúc không tự nhiên mà có. Mà đó là xương máu, tâm huyết của biết bao con người trên đất nước này. Họ là ai? Họ là những con người sống có lý tưởng. Họ cho rằng được hiến dâng cho quê hương là hạnh phúc, là niềm tự hào, là vinh dự quý báu. Thế thì sao chúng ta không học cách sống của họ? Không mở lòng ra để cho đi mà không tính toán. Tôi đã rất tâm đắc với câu nói của G.Potixen (Anh): 'Chúng ta chán ngấy những niềm vui mà chúng ta nhận được nhưng chẳng bao giờ chán những niềm vui mà chúng ta cho đi'. Và giờ đây, tôi muốn rằng các bạn cũng sẽ lấy câu nói này làm phương châm sống cho riêng mình.
Tái bút: Chúng tôi biết tới khái niệm và lợi ích của việc sống có lý tưởng là nhờ học và thảo luận đề tài "Lý tưởng thanh niên" trong những năm 1975 / 1976 ở Việt Nam. Từ rất lâu, chúng tôi có ý ghi lại những bài học và kinh nghiệm sống để viết bài Lý tưởng thanh niên. Đến hôm nay (2015-08-10), chúng tôi mượn dàn bài, mượn ý của bài "Lí tưởng sống của thanh niên" trên http://nguyenxuantruong.xtgem.com/L%20tung%20sng%20ca%20thnh%20nin của ông Nguyễn Xuân Trường (Cám ơn, PQB) để khởi đầu việc xây bài "Lý tưởng sống của thanh niên" theo suy nghĩ của chúng tôi. Bài này sẽ được cập nhật liên tục, cho đến khi chúng tôi hết ý.