Hạnh Địa Tạng Bồ Tát
(Tuệ Anh tóm tắt sách Địa Tạng Sám do Thầy Hằng Trường trước tác)
Trước kia ít ai được nghe giảng về những đức hạnh của Địa Tạng Vương Bồ Tát. Trong Pháp Hội Địa Tạng tại Houston, Texas, ngày 8-10-2010, Địa Tạng Sám (ĐTS) do Thầy Hằng Trường trước tác đã được trì tụng, giúp cho bá tánh hiểu biết rất nhiều về Ngài Bồ Tát. Theo ĐTS, Địa Tạng Vương Bồ Tát (ĐTVBT) có rất nhiều công hạnh được thể hiện liên tục qua nhiều ngàn vạn kiếp kể không xiết, tuy nhiên có những công hạnh đặc biệt sáng chói nhất nơi ngài, đó là 6 hạnh sau đây: hạnh hiếu dưỡng, hạnh hàm dưỡng, hạnh minh châu, hạnh tích trượng, hạnh vô lượng phương tiện và hạnh vô biên đại nguyện.
Trong khuôn khổ của bài viết, chúng ta sẽ ôn lại một cách vắn tắt sáu hạnh này, hy vọng sẽ nhập tâm thuộc lòng, để trở thành những phương tiện giúp chúng ta khai tâm học đạo hành đạo.
1. Hạnh Hiếu Dưỡng: cốt tủy của hạnh hiếu dưỡng là tình thương thâm sâu của con đối với cha mẹ. Hiếu là gốc của trăm chuyện lành, là nguồn cội của lòng từ bi vô tận, lòng thương không ô nhiễm, không ích kỷ, hy sinh chính mình, không nề hà khó khăn, tận tâm tận lực để phụng vụ người khác. Đức Địa Tạng qua rất nhiều kiếp đã làm gương sáng về chữ hiếu. Sám: chúng ta hãy ăn năn sám hối đã từng có những điều bất hiếu, lời nói, việc làm xúc phạm làm buồn lòng cha mẹ, hoặc sự hờ hững lơ là thiếu quan hoài chăm sóc mẹ cha. Nguyện: từ nay chúng ta sẽ mãi mãi chú tâm khai triển lòng hiếu kính cha mẹ cho thâm sâu đến vô biên vô tận, xin ghi nhớ và thực thi từng giây từng phút trong mỗi ý niệm về hạnh hiếu dưỡng, hứa sẽ không hề mệt mỏi hay nhàm chán thi hành hạnh hiếu dưỡng.
2. Hạnh Hàm Dưỡng: hàm là bao hàm hay bao nạp, dưỡng là nuôi dưỡng, cốt tủy của hạnh hàm dưỡng là nuôi dưỡng bồ đề tâm, và tinh thần rường cột để thực hiện hạnh này là lòng tùy thuận và tha thứ cho tha nhân không bờ bến. Đó là đặc tính của địa (đất), không có mặt đất hàm dưỡng làm sao vạn vật có thể khởi sinh và trưởng dưỡng. Bồ Tát luôn luôn hàm dưỡng tâm bồ đề tức hàm dưỡng chúng sinh, luôn luôn lấy chúng sinh là đối tượng của lòng thương. Có tâm bồ đề, tâm sẽ không ngừng tiến hóa, không ngừng giác ngộ chân lý, như vậy mới đắc thành quả Phật đại giác. Sám: chúng ta hãy xét lại mình và ăn năn sám hối vì thường ngày chúng ta vì những khó khăn trong cuộc sống, lòng ích kỷ thích sở hữu, luôn đóng chặt cửa lòng, khiến chúng ta đã vô tình hay cố tình phạm giới hại người khiến họ mất mát và đau khổ mới hả dạ, tạo ra bao nghiệp duyên nhân quả, sống như thế chúng ta không thể phát triển bồ đề tâm. Nguyện: chúng ta sẽ cố gắng hết lòng hết sức phát triển bồ đề tâm, biết quan hoài người khác, biết hàm dưỡng bồ đề tâm của chính mình cũng như của những người khác, không hề mệt mỏi, không hề nhàm chán, trên con đường bồ tát cứu đời cứu người.
3. Hạnh Minh Châu: minh là sáng, châu là bảo ngọc, hạnh minh châu là công hạnh khai mở và vận dụng viên bảo ngọc “chân tâm” bất sinh bất diệt sẵn có trong tâm mỗi người. Như Đức Địa Tạng, chân tâm hay bồ đề tâm của ngài tới đâu cũng tỏa chiếu sáng ngời như ánh sáng của trí huệ, của tình thương, của đại nguyện, của ban bố, của niềm tin, của hạnh phúc, của an lạc. Viên ngọc chân tâm đến đâu mang bình an hạnh phúc đến đó, cho dù nơi đó là địa ngục. Sám: trong cuộc đời, chúng ta đã có biết bao thói hư tật xấu, sát sinh, trộm cắp, gian dâm, nghiện ngập, dối trá, những xấu xa đó ví như bụi tro bóng tối che lấp vẻ quang minh của chân tâm, chúng ta hãy sám hối những tội nghiệp bản thân, những điều u mê tăm tối vấp phạm. Nguyện: chúng ta nguyện quay đầu qui chính, bỏ tà, từ nay sẽ không ngừng tu sửa bản thân, chừa bỏ tật hư thói xấu, tâm địa hiểm ác, khiến cho chân tâm chiếu sáng, trí huệ quang minh, từ bi vô lượng.
4. Hạnh Tích Trượng: tích trượng là cây gậy đặc biệt có 12 khoen do các chư tăng dùng để dựa chống khi đi đường, để xua đuổi độc xà ác thú, rung lên âm thanh để cho biết sự hiện diện của các ngài khi đi khất thực. Cũng thế cây tích trượng của ngài Địa Tạng đây biểu trưng như ngài là chỗ dựa nương của chúng ta, ngài cũng giúp chúng ta xua đuổi những tâm lý dữ dằn độc hại hay thói hư tật xấu, giúp chúng ta thành tựu giới thanh tịnh, khai mở bồ đề tâm. Ngài cũng dùng tích trượng để cảnh báo thức tỉnh chúng ta khỏi vướng vào 12 nhân duyên sinh khởi liên hoàn: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái dục, thủ, hữu, sinh và bệnh lão tử. Sám: chúng ta hãy thành tâm sám hối về những tội nghiệp chúng ta đã mê muội tạo ra những nhân duyên quả báo nặng nề. Nguyện: luôn luôn và mãi mãi lắng nghe âm thanh của tích trượng để thức tỉnh, không đắm mình vào vòng kiềm tỏa của dục vọng u tối, ra khỏi hố thẳm mê muội, khiến trí tuệ trong sáng, bồ đề tâm vô lượng, để chính chúng con cũng trở nên cây tích trượng cho những người yếu kém nương tựa.
5. Hạnh Vô Lượng Phương Tiện: Đức Địa Tạng đã hóa độ cho vô số chúng sanh được những cơ duyên lành học tập Phật pháp và đắc quả giác ngộ. Điều này đã được chính Đức Phật minh chứng công bố. Đức Địa Tạng đã dùng tất cả kho tàng mênh mông bao la vô tận trên trái đất để làm phương tiện cho chúng sanh thoát khổ. Ngài tuy đã được giải thoát nhưng vẫn tình nguyện ở lại không ngừng nghỉ tiếp tục cứu độ chúng sanh. Tâm ngài đã an trụ nơi cảnh giới niết bàn, nhưng không quản ngại mảy may và tiếp tục hoạt động vui vẻ trong vòng sinh tử. Gặp bất kỳ cảnh ngộ khó khăn nào của chúng sinh, ngài cũng tìm ra những phương tiện thích hợp để giúp đỡ hộ trì. Sám: chúng ta hãy thành tâm hết sức ăn năn vì chung quanh chúng ta có rất nhiều phương tiện để tu sửa chính mình hay giúp đỡ tha nhân, nhưng chúng ta vô minh bỏ qua không màng tới, không biết dùng để khai tâm học đạo hành đạo, không biết cảm kích tri ân, cứ tiếp tục mê lầm xử dụng bừa bãi các phương tiện hay ơn lành nhận được, chỉ biết lo chiếm đoạt phương tiện làm sở hữu và hiếp đáp người khác. Nguyện: chúng ta hãy luôn luôn biết nhận thức một cách sâu xa các phương tiện như sức khỏe, trí tuệ, vật chất, tình cảm, v.v. và các ơn lành từ mọi phía, biết tri ân cảm kích, biết dùng các phương tiện đó cho thiện xảo để tu sửa bản thân và cứu độ tha nhân.
6. Hạnh Vô Biên Đại Nguyện: Bồ Tát Địa Tạng được biết đến nhiều nhất với lời phát nguyện to lớn: “Địa ngục chưa trống rỗng, thệ không thành Phật, chúng sinh độ hết, mới chứng Bồ Đề.” Trải qua hàng ngàn vạn kiếp, ngài vẫn tiếp tục làm bồ tát với tâm nguyện cứu độ hết thảy chúng sinh. Nguyện là những điều ta hứa làm cho người khác không vị ngã không ích kỷ hoặc hứa tu sửa nhân cách, thái độ và lối sống của ta cho tốt đẹp gần với chân thiện mỹ hơn. Phát nguyện hy sinh bản thân phục vụ người khác là đức tính căn bản tự nhiên của chư bồ tát. Phát nguyện tự xuất từ lòng thương người bao la vô tận, từ tâm bồ đề. Sám: chúng ta hãy mãi mãi sám hối cho thói ghen tị, kiêu ngạo, đố kỵ, những tánh xấu chôn vùi tình thương, lòng tha thứ, lòng cảm thông, thấy người đau khổ khốn cùng ngoảnh mặt làm ngơ, không biết an ủi giúp đỡ, thấy người đói khát không biết cho ăn, thấy người rét lạnh không biết san sẻ áo quần…Nguyện: chúng ta hãy phát nguyện làm bất cứ chuyện nhỏ chuyện lớn gì đó cho người khác bớt đau khổ, bớt ngu dốt, bớt đau ốm, bớt sợ hãi, nguyện trở thành chỗ trú ngụ, chỗ bảo vệ, chỗ trở về, con đường lộ, nơi an toàn, nguyện học làm ánh quang minh, làm ngọn đuốc sáng, làm người dẫn đường, làm đại đạo sư, để có những phương tiện thiện xảo giúp chúng sinh mãi mãi.
Nguồn:
From: Andrew Pham
To: ITCHOU@yahoogroups.com
Sent: Saturday, October 8, 2011 12:19 PM
Subject: [ITCHOU] Dia Tang Sam summary
Xin gửi bài tóm tắt Địa Tạng Sám viết vào Đại Lễ Địa Tạng Sám Aug 2010 sau đây. Namaste. P Ánh