Tụng Niệm

Nguồn: Từ Điển Hán Việt Đào Duy Anh


Tụng là đọc tụng; niệm là suy nghĩ nhớ tưởng. Tụng niệm là miệng đọc tụng, tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhất chủ định vào lời kinh tiếng kệ.

Ý nghĩa: Tụng niệm để giữ tâm hồn trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao, huân tập tâm thức tốt, ôn lại lời Phật dạy làm phương châm cho đời sống hàng ngày; gieo giống bồ đề vào tâm thức; kiềm chế thân, khẩu, ý tránh khỏi tai họa do nghiệp chướng, tội lỗi gây nên.

Nguồn: http://giadinhphattu.vn/news/Tai-lieu/Nghi-Thuc-Tung-Niem-1126/#sthash.NEoMycbc.dpuf


Tụng là đọc rõ ràng thành tiếng, có âm điệu ngân nga trầm bổng, theo nhịp mõ tiếng chuông, khi nhặt khi khoan một cách hài hòa đạo vị.

Kinh là những lời dạy quý báu của Đức Phật và của chư thánh đệ tử truyền lại, được kết tập lại thành pho, thành bộ, có lớp lang mạch lạc, có chủ đề, có nội dung lẫn hình thức của một văn bản hoàn chỉnh, phù hợp với căn cơ trình độ của mọi người và phù hợp với chân lý các pháp, với sự thật khách quan của vạn vật. Tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người lãnh hội, thể nhập khác nhau mà mang đến những lợi ích lớn nhỏ khác nhau.

Tụng kinh là đọc lại những lời dạy của Đức Phật một cách thành kính tha thiết trong khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh. Những lời Phật dạy là những khuôn vàng thước ngọc, nghĩa lý mầu nhiệm sâu xa. Chúng ta tụng chỉ một hai lần thì không sao lãnh hội hết được, nên cần phải tụng đi tụng lại nhiều lần. Tụng kinh là để ôn lại và nghiền ngẫm những lời đạo đức tốt đẹp, những chân lý cao siêu mà Đức Phật muốn truyền đến mọi người, càng tụng nhiều lần ta tỏ rõ sâu xa hơn, càng thấm thía hơn những lời Phật dạy, tỏ rõ sâu xa hơn những giá trị chân lý của cuộc đời, như cổ nhân đã nói :

Sách xưa chẳng chán trăm lần đọc,
Đọc kỹ suy cùng ý vị sâu.

Tuy nhiên, đọc tụng và tư duy chỉ là phần lý thuyết, điều cốt lõi mà Đức Phật mong muốn ở chúng ta phải nỗ lực tu tập hành trì, tức là đem những lời dạy quý báu của Đức Phật ứng dụng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Do đó, trong mỗi giờ mỗi khắc chúng ta phải kiểm soát và tự điều chỉnh mọi tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi cử chỉ sai lầm của mình, để ba nghiệp lần lần thanh tịnh an lạc giải thoát giác ngộ.

Mặt khác, sự tụng niệm còn có sức mạnh cảm hóa tha nhân, thức tỉnh lòng người, cải tà quy chánh, bỏ dữ làm lành, tách khỏi bến mê, quay về bờ giác. Ngoài những lợi ích thiết thực cụ thể vừa nêu, sự tụng kinh còn có những tác động vô hình, cảm ứng nhiều điều mầu nhiệm lạ thường không thể giải thích được. Cho nên trong các thời khóa tụng niệm. liệt vị tổ sư tiền bối có soạn thêm các lời tán thán, hồi hướng và cầu nguyện.

Tóm lại, sự tụng kinh có nhiều lợi ích to lớn không thể nghĩ bàn, như Tổ Thiên Thai Trí Giả nhờ tụng kinh Pháp hoa mà nhập định, nhiều lần thấy Pháp hội Linh sơn uyển chuyển hiện ra trước mắt, như Đức Lục tổ Huệ Năng khi còn là cư sĩ do nghe thương khách tụng kinh Kim Cang mà minh tâm kiến tánh và hãy còn nhiều vị Tăng Ni cư sĩ trong quá khứ cũng như hiện tại nhờ thọ trì đọc tụng, nghiền ngẫm tư duy những lời kinh tiếng kệ mà ngộ đạo. Do đó chúng ta không nên xem thường các thời khóa tụng niệm, hãy lập nguyện tu hành, chớ có xao lãng. Cuối cùng, chúng tôi xin được kết thúc bằng hai câu đối của người xưa đã dạy:

Sớm trống tối chuông nhắc nhở khách trần qua biển khổ,
Câu kinh hiệu Phật thúc giục người tục thoát sông mê.
Nguồn: http://www.nqlsoftware.com/huyenkhong/YNghiaTungKinh.aspx


Vấn đề tụng niệm một số người không nắm được giá trị và nghĩa lý của nó nên có thái độ khinh thường, xem nhẹ, không quan tâm, không chú trọng cho việc làm này là thuộc về hạ cấp, tầm thường, chỉ dành riêng cho hạng bình dân mê tín tu tập. Nhưng họ không ngờ rằng việc tụng niệm cũng là một trong những pháp môn không kém trong việc tu tập đạt đạo mà chính đức Phật đã khuyến khích các đệ tử thực tập đã được ghi lại trong các kinh Đại Thừa, như Kinh Pháp Hoa, Kinh Đại Bảo Tích, Kinh A Di Đà, v.v...

Thông thường ở ngoài đời, con người muốn trở thành bác sĩ, kỷ sư thì phải chuyên cần học tập, nằm lòng những sách vở, những công thức chuyên nghiệp ngành nghề. Còn ở trong đạo, người Phật tử muốn giác ngộ thành Phật thì cũng phải học tập, phải nằm lòng những kinh Phật mà mình thọ trì. Tụng niệm cũng là cách học tập, nghĩa là học hỏi và thực tập để có kinh nghiệm, có sáng tạo. Tụng niệm ở đây vừa là học tập kinh Phật trong sự nhất tâm và vừa là thực tập (tu tập) pháp môn cho được thâm nhập (nằm lòng) kinh tạng để sáng tạo trí tuệ phát triển rộng lớn như biển cả. Một bác sĩ, một kỷ sư học tập mà không nằm lòng, không kinh nghiệm thì không thông suốt và không có khả năng sáng tạo, ngành nghề không được phát minh cập nhật theo nhu cầu tiến bộ của thời đại. Người tu tập, tụng niệm kinh Phật không được nhất tâm, không được nằm lòng, không thâm nhập kinh tạng thì đạo lực không được phát triển, trí tuệ không được mở bày và con đường đạt đạo thành Phật còn quá xa xôi.

...

Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ TỤNG NIỆM:

TỤNG là đọc tụng. NIỆM là suy nghĩ nhớ tưởng. TỤNG NIỆM là miệng đọc tụng tâm nhớ nghĩ, tâm và miệng hợp nhứt, chú định vào lời Kinh tiếng Pháp. Tụng niệm có nhiều ý nghĩa:

  1. Tụng niệm để giữ tâm hồn được trong sạch, giao cảm với các tâm niệm tối cao. Tụng niệm lại là cách huân tập tâm thức rất tốt, rất dễ dàng.
  2. Tụng niệm để ôn lại những lời Phật dạy, hầu lấy đó làm phương châm cho đời sống hằng ngày và gieo giống Bồ Đề giải thoát vào tâm thức.
  3. Tụng niệm để kềm chế thân khẩu trong khuôn khổ thanh tịnh, trang nghiêm, chính đáng, không cho nói năng, hành động buông lung theo tập quán đê hèn tham dục.
  4. Tụng niệm để cầu an, để ngăn lòng tội lỗi, dứt trừ nghiệp chướng lâu đời hầu tránh khỏi tai họa do tội lỗi nghiệp chướng gây nên.
  5. Tụng niệm để cầu siêu, để chuyển tâm niệm của người khác, khiến họ xa lìa nghiệp nhân xấu ác, rời khỏi cảnh giới tối tăm, siêu sanh về lạc quốc.
  6. Tụng niệm để làm cho tiếng Pháp Âm lưu chuyển trong nhân gian, cảm hóa mọi người cải tà quy chánh.
  7. Tụng niệm để kích thích, nhắc nhở mình và người trên con đường làm lành, học đạo.
  8. Tụng niệm để hướng lòng bi nguyện đến tất cả chúng sanh, cầu cho chúng sanh an hòa vui vẻ.
  9. Tụng niệm để tỏ lòng sám hối tội lỗi trước ngôi Tam Bảo, là nơi hoàn toàn thanh tịnh, không chút tội lỗi nhiễm ô.

    Nguồn: NGHĨA LÝ TỤNG NIỆM, HT. Thích Thắng Hoan, Lời Nói Đầu,
    http://www.thientruc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=117:ngha-ly-tng-nim&catid=46:nghi-l&Itemid=57

Go back |  Return to Home Page