Huân Tập

Nguồn: Từ Điển Hán Việt Đào Duy Anh


Huân: Hơi thơm, xông khói bốc lên thấm dần. Tập: làm nhiều lần cho quen.

Huân tập là tập làm nhiều lần thấm dần cho quen.

Tâm tánh con người thiện hay ác, không phải một ngày một buổi mà thay đổi được, phải trải qua nhiều lần hành động, tư duy, thì thiện ác ấy mới dần dần thấm vào, cũng như mặc áo đi ngoài sương, dần dần áo thấm ướt. Tánh tình của con người cũng phải trải qua sự thấm thấu dần dần, một quá trình xông ướp thì thiện hay ác mới trở thành thật sự.

Tụng kinh niệm Phật, cúng kiếng thường là phương pháp huân tập, cải tạo tánh tình, hướng thiện và hướng thượng, vì tụng niệm lời lành, nhớ tưởng đức tánh tốt đẹp của Tiên, Phật, để tư tưởng thiện lành, lời nói thiện lành, hành động thiện lành, huân tập cho tâm tánh của mình trở nên thiện lành thực sự.

Nghĩa của Huân tập giống như quần áo vốn không thơm, nếu đem quần áo nầy xông hương nhiều lần thì hương thơm dần dần thấm vào, làm cho quần áo trở nên thơm.

Nguồn: http://www.caodaitoanthu.net/wiki/index.php?title=Hu%C3%A2n_t%E1%BA%ADp


HUÂN TẬP, từ này cũng giống như từ SỞ DUYÊN DUYÊN nói trước. Chúng được dùng rất nhiều trong Phật pháp, nhưng vì là từ chuyên môn nên ngoài đời mình ít được nghe. Giờ nghe cho biết. Cứ đọc mãi những thứ dễ hiểu, trí mình không phát được. Thôi thì làm quen với nó từ từ. Tuy ngữ từ là riêng của Phật học, nhưng ý nghĩa và tác dụng của nó thì không xa lạ với cuộc sống thường nhật của mình. Phật pháp đâu lìa dòng đời mà xa lạ.

Trà vốn không có mùi thơm của hoa, nhưng đem ướp lài thì có mùi lài, đem ướp sen thì có mùi sen. Lấy long não để trong áo quần thì đi đâu người mình cũng đầy long não. Hình thái ướp mùi đó gọi là huân tập. Thứ gì từ bên ngoài mang vào, lâu dần trở thành như chính mình, đều là hình thức của huân tập.

Mọi thứ ở thế gian này vốn không, ngay cái thế gian này cũng không. Chỉ do 2 chữ HUÂN TẬP mà thành có. Tư tưởng, tình cảm cho đến hành động, tất cả đều từ sự huân tập này mà ra. Có điều, mình chỉ chiêm nghiệm được những gì trong hiện tại nên mình không thấy được quá trình huân tập từ vô thủy kiếp đến nay. Nắm được hai từ huân tập này, mình có thể biến cát thành vàng. Nói vậy sẽ có nhiều người, rất nhiều người muốn biết huân tập là gì.

Thiền sư Kitano Gembo qua đời vào lúc 92 tuổi. Suốt đời, ông cố gắng không để mình vướng mắc vào thứ gì. Một lần đang lang thang thì gặp một du khách hút thuốc. Ông được mời một điếu. Kitano nhận lời và nghĩ thầm “Hút thuốc thật thích thú!” Nhưng ông không bao giờ lặp lại điều đó lần hai, chỉ vì “Những vật thích thú có thể quấy phá thiền định. Trước khi đi xa hơn, tốt nhất hãy dừng lại bây giờ”.

Năm 23 tuổi, Kitano học Kinh Dịch. Ông đã áp dụng thuật bói toán trong Kinh Dịch để xác minh những điều mình muốn biết. Rồi ông chợt tỉnh “Nếu ta cứ làm cái việc xác quyết với Kinh Dịch thế này, ta có thể chểnh mảng việc thiền định”. Kitano từ bỏ Kinh Dịch và không bao giờ sử dụng đến năng lực huyền bí đó.

Năm 28 tuổi, Kitano học viết chữ nho và làm thơ. Kitano trở nên thiện nghệ với các môn nghệ thuật này. Ông nghĩ “Bây giờ nếu không dừng lại, ta sẽ là một thi sĩ chứ không phải thiền sư”. Vì thế ông không bao giờ làm thơ nữa.

Không dừng lại, nghĩa là ta đang huân tập việc làm thơ vào trong tâm thức của mình. Thứ gì được huân tập nhiều, thứ đó sẽ thành thói quen. Đã thành thói quen thì nó có lực dẫn mình theo nó. Huân càng sâu, thói quen càng bền bỉ. Thói quen chính là nghiệp. Nghiệp chính là nghề. Vì thế “Không dừng lại, ta sẽ thành một thi sĩ chứ không phải thiền sư”. Thi sĩ một khi trở thành nghiệp dĩ đời mình thì “Trong cơn trường mộng, lại sinh mộng. Giữa giấc mơ say, lại thấy mơ”. Thiền là để tỉnh mộng, để nhìn cho được bản chất thực của những thứ ở thế gian đây, trong đó có thân và tâm mình. Giờ mơ chồng mơ, mộng chồng mộng thì thiền nớ không phải là Thiền tông mà là thiền ba rọi.

Trong đời thường đây, thứ gì mình đã thích thì thứ đó đã có một quá trình huân tập sâu xa trong tiềm thức của mình. Thứ gì trở thành thiện nghệ với mình, thứ đó đã được huân tập trong nhiều đời trước. Vì sẵn có cái chủng đó trong tiềm thức, nên gặp lại cái duyên ấy mình mới thích. Thích mà tiếp tục tiến nữa thì nó trở thành điêu luyện và thiện nghệ. Vì thế thiền sư Takino nói “Những vật thích thú có thể quấy phá thiền định”. Thiền là để bỏ đi những tập tục tồn động trong mình mà giờ làm cho nó thành thiện nghệ điêu luyện thì không phải phá đi sự thiền định của mình là gì.

Cũng vì cớ sự đó mà tổ sư nhà tôi trước giờ một chữ Phật cũng không biết, một bữa chay kham không vô, đùng một cái đóng cửa phòng chay tịnh. Bởi chủng duyên tu hành đã có từ trước. Cái chủng duyên ấy không dính đến câu niệm Phật, cũng không dính đến những hình thức trong đạo Phật, mà dính đến 7 chỗ tìm tâm trong kinh Lăng Nghiêm. Vì thế chạm đúng cái duyên ấy, chủng tử cũ phát ra, mọi thứ liền hiện hình.

Việc đời cũng không khác. Thứ gì được huân tập nhiều, thứ đó sẽ hiện hình khi đủ duyên. Nhà bác học Eistein, ngày còn bé thường lầm lì và ít nói. Đến 7 tuổi ông cũng chỉ nói được những câu rất ngắn. Không có triệu chứng gì của một người lỗi lạc. Một hôm, cha ông mang từ xưởng về nhà một chiếc la bàn. Enstein chăm chú nhìn rồi quay đi quay lại dụng cụ ấy. Quay gì thì quay, vẫn thấy kim la bàn hướng về một phía nhất định. Enstein la lên “Chung quanh kim la bàn phải có cái gì đó làm cho nó quay”. Chủng vật lý được huân tập từ bao kiếp trước giờ đủ duyên nẩy mầm. Mấy chục năm sau ta có nhà bác học vĩ đại Einstein.

Tác dụng của việc huân tập

Việc huân tập có tác dụng tạo ra thói quen và để lại dấu ấn trong tâm thức như thế, nên chư Tổ mới lập ra tùng lâm, người đời mới có trường học. Trường học là nơi giúp người đời huân tập kiến thức và đạo đức cần có của một con người. Tùng lâm giúp ta phá bỏ thói quen ăn, uống, ngủ, nghỉ thường tình của người đời. Không ai ngoài đời mà 10 giờ đêm đi ngủ, 3 giờ sáng dậy ngồi thiền. Những gì mà một thiền sinh phải thực hành, chính là tạo ra một thói quen mới cho mình. Thói quen mới này giúp mình phá bỏ thói quen đời và tương ưng hơn với tự tánh thanh tịnh của mình. Kỹ luật của tùng lâm chính là điều kiện rất tốt để những thứ bá vơ bá vẩn không có điều kiện để lại dấu ấn trong tâm thức của mình. Một hình ảnh xấu, một thói quen đời, một lời không hay không có chỗ để xuất hiện trước một tên tâm thức quá háo khách.

NHẬP THẤT cũng là một hình thức huân tập. Chính là để mình quen dần với cái tịnh, bỏ dần cái động. Tịnh không phải là chỗ rốt ráo của người tu thiền, nhưng một khi nó trở thành thói quen, thì cũng có nghĩa là thói quen động đã giảm bớt. Thân tâm phải qui về một mối bình yên, mới thể nhập được cái KHÔNG ĐỘNG CŨNG KHÔNG TỊNH. Sống được với cái KHÔNG ĐỘNG KHÔNG TỊNH đó rồi, mình mới có khả năng tùy duyên với vạn sự vạn vật đúng với nghĩa nó đã mang.

Huân tập tạo ra nghiệp lực

Thói quen đạo một khi đã mạnh thì nó có lực dẫn mình đi trong đường đạo nhiều hơn đường đời. Đạo là thứ mang lại hạnh phúc cho mình. Đó chính là động lực giúp mình không rời khỏi đường đạo dù trồi lên trụt xuống bao nhiêu. Đời có nghiệp lực của đời thì đạo cũng có nghiệp lực của đạo.

Khổ là động lực đẩy tôi đến với đạo. Đại thừa đốn giáo là chủng nhân giúp tôi đến với Tổ Sư Thiền. Tu, phát tâm với niềm đam mê rất mãnh liệt nên công phu của tôi khá miên mật. Song trên lý, thấy gì cũng hay cũng dễ, nhưng đụng thực tế, không có thứ gì dễ với mình. Cũng tại mấy chục năm làm đàn bà. Chưa kể những tập tục còn ẩn sâu trong tiềm thức của mình. Cái thói đàn bà thành công chừng nào thì việc tu hành càng trở ngại thê thảm chừng nấy. Thứ gì thuộc tình cảm, nó có chiều hướng đình trệ không thanh thoát. Tình càng nhiều, khí càng dữ, ngồi thiền càng nặng. Càng miên mật, khí dồn càng ghê. Cái chướng nơi thân quá nặng nề. Không có phút giây phát tâm mãnh liệt ấy, không dễ gì chịu đựng với những trạng thái ngạ quỉ. Song nỗi đam mê có thể giúp mình chịu đựng tất cả.

Đam mê chính là năng lực giúp mình chịu đựng khó khăn, nhưng cái LỰC của nghiệp, đương nhiên là nghiệp đạo, mới là thứ giúp mình vượt cạn. Không có phần nghiệp lực này, mình sẽ đầu hàng vô điều kiện với việc tu hành. Vọng một khi bị giác miên mật thì khí cũng theo đó mà mờ mịt. Đầu óc luôn trong tình trạng căng thẳng. Đang từ 52 ký, xuống chỉ còn 42 ký. Giấc ngủ luôn chập chờn. Bởi vọng trồi đầu là cái biết liền có mặt. Đầu óc cứ sáng rực như thế suốt mấy năm liền. Sức khỏe sút giảm. Tôi muốn từ bỏ mọi thứ. Không còn sức để làm Phật.

Nhưng mọi thứ không có gì theo mình. Mình giống như con khỉ ngồi trên lưng cọp. Muốn buông cũng chỉ nhăn răng ngồi lì cho qua cơn hoạn nạn. Không muốn tiếp tục nhưng không thể leo xuống. Nghĩa là, không phải đời mới có nghiệp lực mà tu cũng có nghiệp lực. Có huân tập là có nghiệp lực. Nhờ cái nghiệp đạo ấy, mình mới phá được cái nghiệp đời. Cái lực ấy cứ đẩy mình đi không cho mình dừng lại nửa chừng. Thành việc quan trọng của người tu là cố gắng tạo cho mình thói quen đạo càng nhiều càng tốt. Thói quen một khi đã mạnh, nó sẽ là động cơ giúp mình không rời đường đạo. Nói theo phu nhân Thắng Man là, CHÁNH PHÁP ĐANG NHIẾP THỌ MÌNH. Chánh pháp mà nhiếp thọ rồi, mình làm bậy mình sẽ bị quả báo liền tay. Nhờ vậy mình không còn làm bậy. Ác đạo có hiện, chẳng qua là do hạnh nguyện của mình mà thôi.

Ai cũng thích thiền bởi thiền có phần tùy duyên rất phóng khoáng. Nhưng chui đầu vào đó rồi, nắm được việc huân tập cũng như thói quen nói đây, mới hiểu cái phóng khoáng mà chư vị thiền sư có được, là cái quả của một quá trình gian khổ. Nếu hiểu cái LỰC của thói quen và việc HUÂN TẬP có tác dụng thế nào, không ai dám nói về việc tu hành như những nhà thưởng ngoạn, cũng không dám mở miệng nói 2 chữ tự tại tùy duyên khi cuộc sống của mình dính liền với tham dục và những thông lệ đời thường. Tu mà coi thường và sống vẩn vơ theo những “thông lệ” đó, thì cái gọi là tùy duyên chỉ là cái quả của những thói quen đời. Tùy duyên như thế, chỉ giúp mình huân tập nghiệp đời càng chắc. Sai một ly liền đi trở ngược. Mình tưởng mình tùy duyên như các vị thiền sư chính thống, nhưng thật là đang nuôi dưỡng nghiệp đời càng mạnh. Xuôi tay thì mọi thứ theo nghiệp mà đi. Mở mắt, đã thấy lênh đênh chốn chợ đời. Càng tùy duyên càng đổ nợ ...

Sự huân tập là bình đẳng ...

Một suy nghĩ dù tốt hay xấu, một khi được huân vào tâm thức đều đặn, sẽ để lại dấu ấn như nhau. Thứ nào được huân tập nhiều thứ đó để lại dấu ấn nhiều. Thứ nào được huân tập ít, thứ đó để lại dấu ấn ít. Việc huân tập là bình đẳng. Không kể thứ đó là thiện hay bất thiện, có huân tập là có để lại dấu ấn trong tiềm thức. Thứ mà người đời gọi là tánh sân, tánh tham ... chẳng qua là thứ được huân tập trong nhiều đời nhiều kiếp của mình. Nói “Tập lâu thành tánh” là vậy. Một khi dừng nghỉ không huân tập nữa thì cái gọi là tánh đó sẽ mất, không có gì trường tồn bền vững như mình tưởng.

... Nhưng cái quả thì khác nhau.

Huân tập thì bình đẳng nhưng cái quả mà mình nhận được từ việc huân tập thì không như nhau. Cái quả nói đây là chỉ cho kết quả của một thói quen. Huân tập tạo ra thói quen. Khi đã thành thói quen, thói quen lại có một lực đưa mình tới cái quả của nó. Mình tập cho con trẻ tấm lòng vị tha đối với muôn người. Một khi sự vị tha đã thành thói quen, mình sẽ có một đứa con trưởng thành với tấm lòng vị tha. Tấm lòng vị tha ấy sẽ đưa đến cái quả an vui cho nó. Theo gốc độ nhân quả ba đời, lòng vị tha ấy sẽ tạo cho nó một thân tướng với hoàn cảnh tốt đẹp trong những kiếp sau. Ngược lại, bạn tập cho con trẻ sự vị kỷ thì bạn sẽ có một đứa con trưởng thành với tính vị kỷ. Tính vị kỷ ấy thường đưa đến kết quả khổ đau trong hiện đời mà cũng là cái nhân cho những cái quả bất hạnh về sau. Sự huân tập là bình đẳng nhưng tùy cái duyên là thiện hay bất thiện mà ta có cái quả là lành hay dữ trong tương lai.

Ngày nay vấn đề nhân quả bị bỏ mặc. Rất ít người biết về nhân quả. Cũng không ai có thì giờ quan tâm đến tác dụng của việc HUÂN TẬP. Chính vì thế, từ gia đình cho đến xã hội, ít ai quan tâm tạo cho trẻ những thói quen tốt trong suy nghĩ và hành động. Chỉ biết huân tập cho trẻ tính vị kỷ và để chúng thoải mái với những ưa thích của mình. Tranh ảnh, sách báo, bạo lực cứ tới tấp huân tập vào đầu trẻ. Không hiểu rằng, làm vậy là đang tập cho trẻ những thói quen xấu. Thói quen xấu sẽ đưa đến một cái quả không tốt. Đây là lý do vì sao ngày nay, sự bạo tàn có thể xảy ra cả với trẻ chưa đến 10 tuổi, con giết cha, em giết anh, chồng giết vợ, bạn bè thanh toán lẫn nhau. Một phần là do cái nhân từ đời trước, một phần do cái duyên ở hiện đời bị bỏ mặc, cái quả xảy ra mới như vậy.

Cho nên, không thể nào không cảnh giác với những thứ đang thu vô của mình. Thứ gì lúc đầu chẳng như thoáng mây? Chỉ vì xem thường mà thành khối nợ ở trần gian. Khổ đau theo đó mà thành suối. Thử một lần nhìn lại, để vượt qua.

Nguồn: http://tvsungphuc.net/?option=com_content&task=view&id=941

Go back |  Return to Home Page